Liên hệ với chúng tôi

LifeStyle

2 ngày trốn Tết ở Pù Luông


Đã đăng lúc

Bạn muốn rời xa không khí Tết thành thị ồn ào và tạm quên đi những chén đũa bát đĩa của những ngày Tết đã trở thành nghi thức, nhưng không có nhiều thời gian cho một chuyến đi dài? Không cần phải đi đến những vùng đất Tây Bắc xa xôi, chỉ cần tới Pù Luông (Thanh Hóa), bạn đã có thể đắm chìm trong một thiên nhiên hoang sơ của núi rừng, hít thở bầu không khí trong lành mát dịu và chiêm ngưỡng tất cả nét đẹp dung dị hòa quyện với mây trời. 

Hair World mách bạn từ A-Z về Pù Luông để cung cấp cho bạn đầy đủ những kinh nghiệm và thông tin cần thiết để có một kỳ nghỉ tuyệt vời cùng gia đình, bạn bè.

Pù Luông đỉnh núi cao nhất giữa mây trời

Pù Luông trong tiếng Thái là đỉnh núi cao nhất. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 130km về phía Tây Bắc.

Với diện tích hơn 17.600ha cùng hệ động thực vật phong phú, Pù Luông gây ấn tượng với du khách bằng vẻ đẹp hoang sơ của những khu rừng rậm nguyên sinh, những thửa ruộng bậc thang cùng với cuộc sống yên bình của đồng bào dân tộc miền núi. Đây là điểm du lịch hấp dẫn dành cho những ai yêu thiên nhiên và muốn khám phá những vùng đất mới.

3 địa điểm có tiềm năng lớn để khai thác thành khu nghỉ mát tại đây là Bản Đôn nơi có di sản ruộng bậc thang đẹp nhất Pù Luông, Son Bá Mười (xã Lũng Cao) và đỉnh Pù Luông cao 1.700m tại khu vực xã Thành Sơn. Ngoài ra xung quanh Pù Luông còn có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Bản Lác (Mai Châu), suối Cá Thần Cẩm Lương, Rừng Cúc Phương (Ninh Bình), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa),… tạo thành tuyến hành trình du lịch hấp dẫn.

Thời điểm đẹp nhất để đi Pù Luông là cuối tháng 5 và tháng 6. Đây là lúc Pù Luông bắt đầu mùa lúa chín, những cánh đồng và khu ruộng bậc thang sẽ khoác một lớp áo xanh mướt. Bên cạnh đó, cũng có những vựa lúa chín trộn lẫn rất đẹp mắt.

Pù Luông mùa lúa chín – đẹp mê mải.

Những ngày cuối năm, không khí trong lành tiệp với màu xanh trong vắt của mây trời.

Nếu không thể đến Pù Luông vào tháng 6 hoặc tháng 10 thì bạn cũng có thể đến đây vào bất cứ mùa nào trong năm (ví dụ như là mấy ngày Tết ngắn ngủi này chẳng hạn) để thư giãn cùng không gian mát mẻ, quanh năm sương mù bao phủ ở một số bản vùng cao.

Nếu xuất phát từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, bạn có 3 ngả đường dắt đến Pù Luông. Đường dễ đi và nhanh nhất là đi quốc lộ 6 đến thị trấn Xuân Mai, rẽ trái vào đường mòn Hồ Chí Minh, dọc đến thị trấn Cẩm Thủy, qua ccầu Cẩm Thủy khoảng 700m thì rẽ phải lối đi Na Mèo. Đi theo đường đó, bạn đến thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước thì rẽ phải vào cầu La Hán. Đi tiếp 17km nữa là đến bản Đôn – trung tâm của Pù Luông. Ở bản Đôn hiện nay có nhiều resort đẳng cấp và homestay sạch sẽ tiện nghi nhất Pù Luông.

Con đường thứ hai đơn giản hơn và thường được khách du lịch chọn đi nhiều hơn, đó là đi qua Mai Châu, qua Bản Lác, rồi tới Pù Luông.

Chúng tôi chọn con đường đi qua Lũng Vân, cảnh đẹp nhất nhưng nhiều dốc khó đi nhất. Với hơn chục khúc cua tay áo, đường qua Lũng Vân là con đường nhỏ với đèo dốc quanh co giống địa hình của các tỉnh phía Tây Bắc, cảnh sắc 2 bên đường hùng vĩ và hoang sơ. Trên đường đi, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt vời, những vạt mây ôm trọn lấy thân núi hay lớp sương sớm mơ hồ huyền ảo dưới thung lũng. Quãng đường đi khoảng 200km, thời gian di chuyển đường đèo rơi vào 4 – 5 tiếng. 

Loằng ngoằng vậy thôi nhưng đến nơi, bạn thấy quãng đường mình đã đi qua rất xứng đáng đấy! 

Đường qua Lũng Vân với nhiều khúc co thử thách các “tay lái lụa”.

Khi về từ Pù Luông các bạn đi theo QL15C và QL217 về Suối cá thần Cẩm Lương, từ đây chạy men theo đường Hồ Chí Minh, đến ngã tư Xuân Mai (QL6) về Hà Nội. Đường này tuy xa hơn nhưng đi lại dễ hơn và cũng là một cung đường khá đẹp, thoáng mát để ngắm cảnh. Trên đường đi về, nếu có thời gian bạn có thể kết hợp tham quan và khám phá Vườn quốc gia Cúc Phương.

Vì khung cảnh trên đường đi khá đẹp, cũng để trải nghiệm cảm giác mạnh, hầu hết dân phượt sẽ chọn đi xe máy, chủ động hơn và cũng để trải nghiệm cảm giác “phê” trên những cung đường đèo khi đi Pù Luông.

Pù Luông có gì chơi? 

Nếu không tự đi xe máy thì thì bạn hoàn toàn có thể chủ động thuê xe máy của người địa phương (giá hơi đắt 300.000 đồng/ngày), phóng xe bon bon ngắm cảnh đẹp và đến với các địa danh thú vị: 

Thác Hiêu: Hiêu có khung cảnh được ví “núi ôm ấp mây” với tiếng nước thác chảy, nơi du khách có thể thoải mái hòa mình vào dòng nước suối mát lành.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên tạo của Thác Hiêu giữa mây ngàn

Son Bá Mười: Son Bá Mười nằm ở độ cao 1.180m so với mực nước biển. Lên đến nơi, bạn sẽ được ngắm nhìn vẻ đẹp tuyệt vời của những bản làng yên bình tràn ngập sắc hoa, của những thửa ruộng bậc thang uốn lượn.

Đường lên Son-Bá-Mười rất thích hợp với những ai yêu thích du lịch mạo hiểm.

Bản Kho Mường: Đến đây, bạn sẽ được tận hưởng khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, bình yên với những thửa ruộng bậc thang trải dài đến tận chân trời xen lẫn với núi rừng trập trùng xanh mát. Ngoài ra, bạn còn có cơ hội giao lưu văn hóa, trải nghiệm văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc Thái cũng như thưởng thức những món ăn đặc sản ngon miệng.

Đỉnh Pù Luông: Đến đây, từ trên đỉnh Pù Luông nhìn xuống, bạn có thể phóng tầm mắt mình thu trọn cảnh núi rừng hùng vĩ, những cánh đồng bát ngát, thung lũng ở dưới chân núi vào trong tầm mắt. Bạn cũng có thể cùng bạn bè tham quan, chụp ảnh hay cùng nhau ăn những đồ ăn đã chuẩn bị sẵn và mang theo.

 

Trên đỉnh Pù Luông, bạn sẽ được tận hưởng cảm giác chiến thắng khi chinh phục đỉnh vinh quang. Ngoài ra, các bạn có thể dựng trại trên đỉnh để ăn uống nghỉ ngơi qua đêm và xuống núi vào hôm sau.

Chợ phiên Phố Đoàn: Chợ là nơi giao thương, mua bán hàng hóa mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ của đồng bào các dân tộc Kinh, Thái, Mường… Trải nghiệm phiên chợ vùng cao tại phố Đoàn, Bá Thước 

Vào thứ 5 và Chủ nhật hàng tuần, người dân từ những bản làng khác trong vùng tập trung về nơi đây để trao đổi hàng hoá. Ngoài ra, khách du lịch cũng có thể tham gia phiên chợ để trải nghiệm phiên chợ độc đáo này. Mọi thứ đều có thể đem ra bày bán; từ con ốc rùng cho đến hoa quả hay thực phẩm thiết yếu hoặc những thứ mà chỉ miền cao mới có. 

Phiên chợ họp trên một đoạn đường dài cả cây số đông người nhộn nhịp, thu hút nhiều người tham gia. Chợ phiên thường đông người từ 6h sáng đến 10h và kết thúc vào khoảng 11h trưa.

Bạn có thể mua cho mình những món đồ đặc trưng của đồng bào nơi đây để làm quà hoặc thưởng thức những món ăn đặc sản được bày bán trong chợ đấy.

Guồng nước là hình ảnh thân quen gắn liền với người dân bản địa ở Pù Luông, bạn có thể gặp rất nhiều trên đường đi.

Thác Muốn: Nằm ở độ cao 500m so với mực nước biển, nước chảy từ các khe núi đá trên đỉnh núi Muốn có độ cao hơn 300m chảy vào lòng một thung lũng rộng vài ha, rồi từ đó đổ xuống sườn núi tạo thành nhiều tầng thác liên hoàn kế tiếp nhau như hình bậc thang. Trườn qua 43 tầng thác lớn, nhỏ, cao, thấp khác nhau với chỉ toàn đá, nước và cây rừng trùm kín, dòng suối đổ ra sông Đại Lạn nhập vào dòng Mã Giang hùng vĩ. Điều đặc biệt thú vị khi du khách đến với Thác Mơ là có thể trèo lên 43 tầng thác mà không cần phải bỏ dép bởi loại đá ở đây là đá cát (giống như đá mài), mòn nhẵn nhưng không hề trơn, đổ ra biển rộng.

Đến Pù Luông ở đâu?

Pù Luông không có khách sạn, vì là khu bảo tồn thiên nhiên nên hình thức lưu trú chủ yếu ở đây là homestay. Homestay đa phần nằm ở địa bàn các xã Cổ Lũng, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Cao của huyện Bá Thước, Thanh Hóa. Bạn có thể ở nhà sàn với giá từ 100.000-150.000 đồng/người mỗi đêm. Các bạn sẽ được trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương và thưởng thức các món ăn đặc sản do chính người dân ở đây chuẩn bị. Hoặc muốn nghỉ dưỡng cao cấp, bạn có thể chọn Pù Luông Eco Garden, Pù Luông Retreat, Bản Hươu Garden Lodge hay Puluong Tree House. Tuy nhiên, nếu nghỉ ở những khu resort này thì giá phòng khá cao, khoảng từ 1-3 triệu đồng/đêm tùy từng hạng phòng.

Tất cả đều có điểm nhìn đắt, hướng ra phía núi, rất phù hợp để sống ảo.

Vùng lõi Pù Luông không có nhiều chỗ nghỉ, vào mùa cao điểm du lịch chỗ nghỉ ở Pù Luông thường hết phòng, bạn nên đặt phòng sớm để có nhiều lựa chọn và giá tốt. Ngoài khu vực vùng lõi bạn có thể lưu trú ở Mai Châu, từ Mai Châu đi đến Pù Luông khá gần nhau. Ở Mai Châu có nhiều khách sạn và resort cho bạn nghỉ, từ Mai Châu bạn có thể đi xe máy hoặc đi ô tô vào trong Pù Luông để tham quan rồi quay lại Mai Châu nghỉ ngơi.

Thoát khỏi khói bụi và không khí ngột ngạt của thành phố ồn ào, đến Pù Luông, bạn sẽ thấy một màu xanh bát ngát của cây lá, những thửa ruộng bậc thang trải dài trong làn mây trắng xóa.

Đến Pù Luông ăn gì?

Ở Pù Luông, dịch vụ du lịch chưa phát triển nhiều nên không có nhiều quán ăn, khách du lịch ở Pù Luông chủ yếu đặt cơm ngay tại chỗ nghỉ, các nhà nghỉ ở Pù Luông đều cung cấp đầy đủ dịch vụ ăn uống. Người dân sẽ chuẩn bị tất cả những món ăn này theo số lượng đoàn của bạn, các loại thịt cá được bày ra mâm trên những khay lá (cỗ lá), ăn kèm có thể là cơm hoặc xôi nếp. Ẩm thực Pù Luông sẽ mang những đặc trưng rõ nét của ẩm thực Thái với các món nướng, món đồ, với các loại gia vị mang nhiều hương vị núi rừng.

Đặc sản trứ danh tại đây là vịt Cổ Lũng. Thịt vịt rất ngon, mềm và thơm, được nướng bằng than, giá 350.000 đồng/con và có thể cho 3-4 người ăn.

Măng đắng chấm muối trộn hạt mắc khén của người dân bản địa ăn là ngon nhất, cảm nhận được hết hương vị của núi rừng. Nếu không có mắc khén thì có thể thay thế bằng mắm tôm hoặc nước mắm pha thêm chút đường, ớt, tỏi ngon không kém. Giữa mâm cao cổ đầy, món măng đắng giản dị nhưng ăn rồi lại nghiện, ăn hoài không biết chán.

Pù Luông còn có món rượu cần cay nồng là đặc sản không thể thiếu trong mỗi bữa cơm đậm nghĩa tình. Rượu cần được làm từ men sắn và nước suối nên hương vị rất đậm đà và đặc biệt, vị cay cay ngọt ngọt khiến người uống say lúc nào không biết.

Bên cạnh đó, thưởng thức các món ngon, đặc sản của người Thái, bạn có thể đặt chủ nhà nghỉ các món như gà đồi, vịt suối nướng, lợn rừng quay, măng chua, măng đắng, canh rau ngót rừng, cơm lam, nộm hoa chuối rừng…

 

Vịt Cổ Lũng còn gọi là vịt Tiến Vua, có vị thơm ngon nức tiếng gần xa.

Mưa phùn mùa xuân bắt đầu lắc rắc, người Thái ở Pù Luông chỉ cần vào rừng một lúc là mang về cả bồ măng. Thứ măng có vị đắng bùi, đưa vào miệng còn nhăn mặt nhưng chỉ cần nhai một lúc sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi của măng.

Hy vọng với từng đó kinh nghiệm bạn có thể tự tin rời khỏi Hà Nội trong 2 ngày ít ỏi để thư giãn và làm mới mình, trở về với nguồn năng lượng tinh khiết, đầy sáng tạo để thực hiện những kế hoạch đã đề ra cho năm mới này nhé!

Để có chuyến đi hoàn hảo, bạn nên chuẩn bị:

Giày đi bộ, thể thao hoặc leo núi vừa chân, thoải mái, thấm hút tốt

Mang thêm quần áo nếu định tắm thác Bản Hiêu

Mang theo thuốc men, kem chống nắng, thuốc chống nấm, chống côn trùng để khám phá rừng.

Nên kiểm tra theo dõi thời tiết trước chuyến đi vài ngày để tránh mưa rừng.

Cần bơm xăng đầy trước khi vào Pù Luông.

Nếu không liên hệ đặt nhà nghỉ trước được, bạn có thể đến nơi rồi mới hỏi thuê. Tuy nhiên, nếu chẳng may lỡ bước cũng có thể xin ngủ nhờ tại bất kỳ nhà dân nào mà không cảm thấy phiền, bởi đôi khi họ còn cảm thấy ngại vì sàn nhà không đủ lớn để chứa cả đoàn của bạn.

Homestay ở Pù Luông:

Pù Luông khá rộng, tùy thuộc vào hành trình của đoàn mình mà các bạn có thể chọn một trong các bản của người dân ở đây làm địa điểm lưu trú chính. Dưới đây là danh sách một số chỗ nghỉ homestay cung cấp chỗ nghỉ trong phòng ngủ tập thể :

Bản Hiêu: nhà Dũng Xuân (0914613428)

Bản Đôn: nhà bác Giáp (0364447099)

Bản Kho Mường: Nhà Bác Nếch (0945801124), Nhà Anh Nam (0394904372), Nhà Thanh Tuấn (0945801224).

Bản Nủa: nhà Anh Hoàng (0819973969), nhà Anh Minh (0857550703).

Bản Kịt: Nhà Anh Thao (037249442).

Minh Minh

Đọc tiếp
Bấm để bình luận

Để lại bình luận

Trending