Liên hệ với chúng tôi

The Stories

Nữ văn sĩ sở hữu phong cách thời trang hơn cả những màn hóa thân


Đã đăng lúc

Joan Didion, nữ văn sĩ người Mỹ vừa qua đời vào ngày 23/12/2021, là cảm hứng cho vài dòng suy nghĩ sau đây về văn học và thời trang. Nhà văn Hiền Trang trong bài viết tri ân Joan trên trang cá nhân cũng đã viết: “Phụ nữ có thể vừa đẹp vừa thông tuệ được không?”, như lời gợi mở về một đề tài đáng suy ngẫm.

“Style is character”, câu nói nổi tiếng của tiểu thuyết gia và nhà tiểu luận Joan Didion, trích từ bài phỏng vấn trên tạp chí văn học The Paris Review năm 1978, là sự biểu lộ trọn vẹn hai khía cạnh gắn liền với tên tuổi của bà. Có lẽ bạn đã nhìn thấy hình ảnh Joan trong chiến dịch thời trang Xuân-Hè 2015 của Céline dưới thời Giám đốc Sáng tạo Phoebe Philo.

Ở tuổi 80, nữ văn sĩ lừng danh của văn học Mỹ thế kỷ 20 với mái tóc bạc nhẹ như tơ vương, kính mát tuyền đen, mặt dây chuyền vàng nhẹ nhàng ửng sáng trên chiếc áo nỉ đen mềm mại – dưới lăng kính của nhiếp ảnh gia Juergen Teller – là sự biểu đạt hoàn hảo khí sắc của “người phụ nữ Céline” trong giai đoạn giữa thập niên 2010: trí thức, thanh lịch, thông minh, sâu sắc và trưởng thành.

Ở khía cạnh văn chương, câu nói “Style is character” trong bài phỏng vấn với The Paris Review nằm trong ngữ cảnh khi bà và người phỏng vấn đang bàn về văn phong, hay cảm quan và lý tính cùng những mối lưu tâm của các tác gia nữ trong quá trình sáng tác và đàm luận. Tương tự như thời trang – vốn bị phần đông xã hội mặc định là phạm trù riêng biệt của nữ giới – vai trò, tiếng nói, và giá trị của phụ nữ trong sáng tác văn chương, nghệ thuật, hay là nhân vật trong các tác phẩm điện ảnh, văn học… vẫn đang gợi mở nhiều câu hỏi trong giới trí thức, học thuật, lẫn công chúng, và là đề tài tranh luận sôi nổi.

Sự thành danh của Joan trong thập niên 1960-70 gắn liền với một thời kỳ hoàng kim, khi giới trí thức được trọng vọng và xem như là “siêu sao” trong xã hội Mỹ. Giữa bầu không khí sôi nổi mà nhà văn là hiện tượng (cũng như là thần tượng) trong mắt công chúng, hình ảnh Joan Didion bộc lộ cho người xem trên những trang báo hay phóng sự đưa tin là sự giản đơn cùng cực mà ngày nay, ta hay gọi là “tối giản”.

Trong bộ ảnh chân dung nổi tiếng do Julian Wasser chụp cho bài viết về bà trên tạp chí Time năm 1969 (sau thành công vang dội của Slouching Towards Bethlehem, tập tiểu luận được bà ra mắt một năm trước đó), Joan mặc chiếc váy suông dài cùng đôi dép sandal, điếu thuốc thường trực trên tay, lọn tóc dài chấm vai buông lơi trên gò má. Thân hình mảnh dẻ, ánh nhìn trầm mặc, những bộ quần áo giản dị nhưng không xuề xòa – là “công thức” tưởng chừng dễ dàng vận dụng để làm nên một huyền thoại. Nhưng ở Joan, cốt lõi làm nên sức hút mà giới mộ điệu cho đến nay vẫn không khỏi khắc khoải, không chỉ nằm ở phong cách ăn mặc của bà, mà là người phụ nữ diện lên những bộ đồ ấy.

Hay nói cách khác, cốt cách là tinh thần, và tinh thần là cốt cách. Joan Didion nổi danh nhờ lối viết sáng sủa đậm chất thơ, sự chuẩn xác mạch lạc trong từng câu chữ cảm hoài được trái tim và tư duy dẫn lối mà cho đến nay, sức ảnh hưởng của bà vẫn còn in dấu ấn sâu đậm trong tâm tưởng của các cây viết trẻ đương đại. Dù đó là luận bàn về dòng chảy lịch sử, chính trị, văn hóa – xã hội đương thời, hay những dòng suy tưởng về nỗi đau mất mát cá nhân, các tác phẩm tiểu luận hay tiểu thuyết của Joan luôn ánh lên một phẩm cách thuần hậu, thông tường nhưng không ngạo nghễ, chân tình nhưng vẫn tinh anh.

chân dung Joan Didion trong trang phục ở nhà

Và có chăng, nhân cách ấy không chỉ phản chiếu trong lời văn của bà, mà còn được bộc lộ một cách tài tình nhưng vô cùng tự nhiên trong phong thái ăn mặc. Trong cuốn tiểu luận The White Album (1979), Joan đã ghi ra một danh sách những món đồ mà bà luôn sửa soạn trước mỗi chuyến công tác trong vai trò nhà báo, gồm: “2 chân váy, 2 áo jersey hay leotard, 1 áo nỉ, 2 đôi giày, vớ, áo lót, đầm ngủ, dép đi trong nhà, thuốc lá, rượu bourbon, […], chăn len, máy đánh chữ, 2 sổ ghi chép và bút viết, tài liệu, chìa khóa nhà”.

Bà chỉ ra, chúng là những vật dụng thiết yếu trang bị cho mọi hoàn cảnh: trang phục bình thường đến nỗi bà có thể hòa mình vào bất kỳ môi trường văn hóa nào cần tác nghiệp, chăn len để giữ ấm trên máy bay hay phòng trọ với điều hòa luôn bật, rượu bourbon cũng là để dùng trong căn phòng ấy, máy đánh chữ để dùng tại sân bay và khi về lại thành phố.

Trending